Nếu Trung Quốc loại bỏ Google, chúng ta sẽ loại bỏ máy tính của họ
If China Throws Out Google, We Should Throw Out their Computers (The Huffington Post)
Khái niệm bình đẳng song phương trong kinh doanh có một lịch sử lâu dài, và là một khái niệm mà ngày nay ta vẫn phải nhớ. Chẳng hạn, nếu chúng ta cho phép sản phẩm của cỗ máy công nghiệp khổng lồ Trung Quốc xâm nhập thị trường, mang lại việc làm cho 100 triệu công nhân Trung Quốc (số dân Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực sản xuất) thì họ cần phải cho phép những công ty sáng tạo của chúng ta xâm nhập thị trường, ví dụ như Google.
Nhưng không chỉ riêng Google đang bị ép ra ngoài bởi một chuỗi những hành động và âm mưu của chính quyền Trung Quốc, mà YouTube, một nhánh của Google, không bao giờ được cho phép tại Trung Quốc. Nó đã bị khóa thường trực bởi tường lửa. Phần lớn các website khác của Hoa Kỳ cũng không được tự do trên thị trường Trung Quốc. eBay đã rời Trung Quốc. Nhiều tờ báo mạng thường xuyên bị kiểm duyệt. Những công ty Trung Quốc sẵn lòng chấp nhận sự kiểm duyệt và độc tài của chính quyền Trung Quốc, như Baidu và Alibaba, là những tay chơi máu mặt trên thế giới mạng của nước này. Đây không chỉ là một vấn đề về tự do ngôn luận. Nó còn là một hàng rào mậu dịch và một vấn đề kinh tế nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Chỉ riêng Google đã có trên 20,000 nhân viên, nhiều người ở ngay Hoa Kỳ, và họ và công ty đã bị cắt giảm vì những hành động trên, cũng giống như nhân viên tại eBay và các công ty website khác.
Chúng ta đang chiến đấu để xây dựng lại lĩnh vực sản xuất của chúng ta, nhưng mặt khác, chúng ta cần phải đảm bảo các công ty như Google được hoạt động toàn vẹn trên thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc. Nếu một công ty không thể xâm nhập vào thị trường lớn nhất thế giới để bán sản phẩm của mình, nó sẽ mất đi khoản thu khổng lồ. Và vì quy luật lợi thế kinh tế theo quy mô (economy of scale) và khả năng đi xuống trên đường học hỏi (learning curve) công ty sẽ chịu những bất lợi so với các địch thủ khác đang ngoi lên.
Từng có một sự thỏa thuận bất thành văn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về internet. Hoa Kỳ đồng ý giảm tất cả các khoản thuế đối với các sản phẩm công nghệ cao xuống mức zero, và chúng ta từng cho phép tất cả những gì Trung Quốc có thể mang sang đây bán, không vấn đề gì. Và kết quả là gì? Kết quả là một số lượng lớn máy tính ở Hoa Kỳ là hàng Trung Quốc. Chúng ta thậm chí còn cho phép nhà sản xuất máy tính đầu tiên của Hoa Kỳ, IBM, bán nhánh PC của mình cho Levono, một công ty Trung Quốc. Lẽ ra vụ mua bán này có thể bị ngăn chặn, dưới một luật Hoa Kỳ gọi là luật Exon-Florio, nhưng chúng ta không những không ngăn chặn nó, mà chúng ta thậm chí còn không đặt vấn đề về nó.
Tại sao? Bởi vì chúng ta từng tin rằng, vì Trung Quốc trên quá trình công nghiệp hóa và đi trên xa lộ kinh tế và tri thức, họ sẽ trở thành một thị trường lớn đối với những sản phẩm vốn là lợi thế của chúng ta, như công cụ tìm kiếm, video phát trực tiếp (streaming video), và các trang web sáng tạo (innovative website).
Nhưng họ lại không phải như vậy. Vì vậy chúng ta đang ở thế hoàn toàn không cố thủ được. Phần cứng internet, máy vi tính, ổ đĩa, đồ bán dẫn… toàn bộ là sản xuất tại Trung Quốc, không phải tại đây. Rất nhiều phần mềm internet, được sản xuất, nâng cao và liên tục cải tiến ở đây thì bị cấm tại Trung Quốc. Bởi vậy các ngành công nghiệp của họ phát triển, họ có thêm nhiều việc làm, nền kinh tế của họ tránh khỏi khủng hoảng. Nền kinh tế của chúng ta co lại, số việc làm giảm xuống, và những công ty sáng tạo của chúng ta bị ảnh hưởng vì không được phép xâm nhập vào thị trường internet lớn nhất thế giới.
Và tình hình ngày càng tệ hơn. Ngày càng nhiều nhà sản xuất chuyển xưởng của họ sang Trung Quốc, do các khoản trợ cấp, lao động rẻ mạt, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường thấp. Thật mỉa mai, chỉ cách đây ít lâu chúng ta còn nghĩ rằng máy tính và đồ bán dẫn là những ngành công nghiệp sáng tạo mà chúng ta sẽ luôn giữ tại Mỹ. Nhưng về cơ bản các ngành này đã rời khỏi bờ biển của chúng ta, mặc dù phần sáng tạo hơn thì vẫn chưa. Khu vực sản xuất máy tính lớn nhất thế giới là tại tỉnh Quảng Đông, phía bắc Hồng Kông, nơi Foxconn có 200,000 người làm nhà thầu phụ cho nhiều nhãn hiệu Hoa Kỳ và các nước khác. Trong khi đó, hàng nghìn kỹ sư và công nhân dây chuyền lắp ráp Hoa Kỳ bị thất nghiệp.
Chính phủ Trung Quốc muốn thương mại hoàn toàn một chiều, trong đó Trung Quốc tích lũy kiến thức và tiềm lực công nghiệp và dự trữ thương mại còn chúng ta thì không được gì. Nếu có bất cứ một lĩnh vực nào đó mà chúng ta có lợi thế rõ rệt thì đó là địa hạt phức tạp và đòi hỏi sáng tạo cao của Google.
Năm 2009 Trung Quốc xuất khẩu 126 tỷ dollar Mỹ máy tính và thiết bị điện sang Hoa Kỳ. Chúng ta chỉ xuất khẩu một khoản khá bèo, 14 tỷ dollar Mỹ sang nước họ. Khi xem xét những lợi thế thương mại này, người ta có thể cho rằng họ sẽ nể mặt các công ty internet của chúng ta, nhưng họ lại không.
Đòi hỏi bình đẳng song phương không phải là bảo hộ thương mại và không thể vấp phải sự chỉ trích nào từ phía Trung Quốc, WTO hay ngay cả những thành phần tự do nhất. Bình đẳng song phương là quy luật chung của tất cả các thỏa thuận thương mại trên thế giới. Chúng tôi để anh bán trên thị trường của chúng tôi những hàng hóa mà anh có thể sản xuất hiệu quả hơn. Anh để cho chúng tôi bán trên thị trường của anh những hàng hóa và dịch vụ mà chúng tôi sản xuất. Nếu Trung Quốc loại bỏ những công ty internet của chúng ta, chúng ta cần loại bỏ phần cứng của họ.
No comments:
Post a Comment