Sunday, March 14, 2010

Cần đẩy mạnh cung cấp thông tin chủ quyền ra quốc tế

Cần đẩy mạnh cung cấp thông tin chủ quyền ra quốc tế
15/03/2010 1:53
TS luật Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời Thanh Niên về vụ việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (NGS) phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa.

* Ông có bình luận gì về vụ việc bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa do NGS phát hành?

Nếu cứ tiếp tục ở thế bị động trong việc tuyên truyền ra quốc tế, chúng ta sẽ gặp nhiều bất lợi

- Trước tiên, hết sức hoan nghênh những bạn đọc đã phát hiện vụ việc này và phản ánh thông tin kịp thời tới báo chí cũng như phản ánh tới NGS thể hiện quan điểm của mình. Điều này cho thấy người dân VN luôn thường trực ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên mọi phương diện.

Việc NGS cho phát hành bản đồ có ghi thông tin quần đảo Hoàng Sa của VN thuộc Trung Quốc là một điều hết sức đáng tiếc vì NGS là một tổ chức có uy tín của Hoa Kỳ.

* Dưới quan điểm của một người nhiều năm làm công tác bảo vệ chủ quyền, theo ông bản đồ này có giá trị gì không về mặt pháp lý?

- Theo như tôi được biết, NGS là một tổ chức tư nhân và không có liên quan với Chính phủ Mỹ. Các tài liệu do tổ chức này đưa ra, do vậy không phản ánh quan điểm chính thức của Mỹ. Việc xuất bản bản đồ, thậm chí bản đồ của các cơ quan chính thức của các quốc gia đưa ra các tên gọi khác nhau cho một khu vực tranh chấp, từ đó thừa nhận chủ quyền của quốc gia đó, xét về phương diện pháp lý quốc tế là không có giá trị.

* Ông có thể phân tích sâu hơn về việc các bản đồ được sử dụng tại các khu vực có tranh chấp?

- Trong quá trình nghiên cứu về tranh chấp chủ quyền biển đảo, các học giả có đề cập đến một khái niệm được gọi là “chiến tranh bản đồ”. Ý nghĩa của chuyện đó như thế nào? Có nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc đã cho xuất bản các bản đồ vẽ ra các đường biên giới, đưa vào các tên gọi theo cách của họ, sau đó bằng nhiều con đường tung lên các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu nghiên cứu và thậm chí là các văn bản chính thức của Nhà nước với ý đồ “hợp thức hóa” chủ quyền ở các khu vực đó. Đây là thủ thuật được một số nước sử dụng khi có tranh chấp.

Đặc biệt trong một số văn bản chính thức họ sử dụng các bản đồ này cùng các tên địa danh để đưa vào các công hàm, văn kiện gửi tới các quốc gia liên quan hoặc các tổ chức quốc tế. Nếu các quốc gia và các tổ chức đó không nghiên cứu một cách tường tận để hiểu tính chất của vấn đề sẽ dẫn tới việc mặc nhiên chủ quyền của nước đó được thừa nhận.

Trung Quốc là nước đã thường xuyên sử dụng thủ thuật này. Trên thực tế trong một số lập luận về chủ quyền của mình, Trung Quốc đã đưa ra việc bản đồ, tên gọi của Trung Quốc “được quốc tế công nhận” như một vũ khí. Nếu chúng ta không phân tích tường tận cho quốc tế hoặc không có ý kiến phản bác, cảnh báo kịp thời về vấn đề này sẽ dẫn đến việc các tên gọi, bản đồ đó sẽ được sử dụng đến mức quen thuộc và phổ biến, thậm chí là cả trong giới nghiên cứu. Có những nhà khoa học quan tâm đến pháp lý, chính trị họ sẽ hiểu. Nhưng cũng có những người không quan tâm và khi cần thiết họ sẽ dựa trên các thông tin có sẵn và đưa lên sản phẩm của mình mà không biết rằng thông tin đó là sai lệch. Có thể họ không có ý đồ gì cả nhưng nếu VN không có những tiếng nói, có sự giải thích ở mức độ cần thiết sẽ làm dư luận hiểu sai hoặc hiểu không thấu đáo dẫn đến gây bất lợi.

* Xin ông đưa ra một số ví dụ về thủ thuật “hợp thức hóa” được một số nước sử dụng?

- Có thể lấy ví dụ qua cách Trung Quốc đặt tên các đảo của họ. Các đảo tại các khu vực tranh chấp đều được Trung Quốc đặt tên của họ nhưng mỗi cái tên đều có một hàm ý trong đó. Ví dụ như đảo Ba Bình (cách gọi của VN, hiện do Đài Loan chiếm giữ), quốc tế gọi là Itu Aba, còn Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình. Thái Bình là tên của một con tàu của Quốc Dân đảng đến chiếm đóng đảo này năm 1946. Như vậy họ gắn tên của con tàu thành tên đảo và gắn với một sự kiện. Nếu được sử dụng rộng rãi thì tên gọi này sẽ có thể được mặc nhiên công nhận. Một ví dụ khác là có những đảo được Trung Quốc đặt tên theo niên hiệu của nhà Minh (1368 - 1644) như Vĩnh Lạc, Tuyên Đức. Trung Quốc từng tuyên bố người Trung Quốc đã tới đây vào thời đó vì họ đào được đồng tiền thời Vĩnh Lạc, Tuyên Đức. Nếu chúng ta hoặc các nước sử dụng các tên gọi này tức là đã mặc nhiên thừa nhận các tên gọi gắn với các sự kiện này. Cần hiểu rõ điều đó để thấy thủ thuật của các nước trong quá trình tranh chấp họ không chỉ dùng vũ lực, chính trị mà các phương tiện, biện pháp khác để giành lấy sự thừa nhận gián tiếp của quốc tế.

* Còn VN đã làm được những gì? Liệu có phải chúng ta còn nhiều hạn chế trong việc cung cấp thông tin chủ quyền ra quốc tế?

- Đúng là công tác tuyên truyền của VN chưa được mạnh. Mặc dù chúng ta đã làm, đã xuất bản nhiều bản đồ. Đã đưa ra những tên gọi rất cụ thể, rất chi tiết ra quốc tế. Nhưng so với việc làm của một số nước, ví dụ như Trung Quốc, chúng ta còn bị hạn chế. Việc tuyên truyền, phát hành các bản đồ, tài liệu để quốc tế hiểu còn chưa đáp ứng so với những điều chúng ta cần phải làm. Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh hơn hoạt động này. Nếu cứ tiếp tục ở thế bị động trong việc tuyên truyền ra quốc tế, chúng ta sẽ gặp nhiều bất lợi. Rất dễ xảy ra chuyện các bản đồ như kiểu bản đồ của NGS sẽ được sử dụng làm căn cứ. Các nhà nghiên cứu có thể nói rằng họ không biết tên đảo này là của Trung Quốc hay VN nhưng rõ ràng tên gọi đó được sử dụng rộng rãi và nhiều người dùng nó.

Nếu VN không có những phân tích và công bố vấn đề này, nói rõ những tác hại của các bản đồ sai lệch này ở mức độ nào cũng như tính khoa học, tính chất phức tạp của các tranh chấp thì quốc tế sẽ không hiểu được. Rõ ràng VN cần quan tâm hơn đến vấn đề này, cung cấp các thông tin cần thiết và các phản ứng kịp thời. Có làm được như vậy chúng ta mới có thể tránh việc mặc nhiên thừa nhận hoặc hiểu lầm, thiên vị gây khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp mà VN muốn thực hiện tạo sự ổn định, hòa bình trong khu vực.

Bản đồ sai sự thật vẫn chưa được sửa

Đến hôm qua, NGS vẫn chưa có động thái sửa chữa những ghi chú sai lệch về quần đảo Hoàng Sa của VN trên các bản đồ của mình. Cụ thể, trong hầu hết các bản đồ tự nhiên và hành chính thuộc bộ Bản đồ thế giới tại địa chỉ http://www.natgeomaps.com/worldmaps.html, vẫn còn ghi tại vị trí quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), theo cách định danh của người Trung Quốc, kèm chú thích "China" (Trung Quốc). Một số bản đồ khác dùng tên tiếng Anh của Hoàng Sa là Paracel Is. với chữ "China" màu đỏ bên dưới. Còn một nhóm thứ ba cũng thuộc bộ bản đồ trên thì dùng cả 3 ghi chú là Xisha Qundao, Paracel Is. và China.

Điều này khác với thông tin từ một số tờ báo và website đưa rằng sau khi báo chí VN lên tiếng, NGS đã thay các ghi chú trên thành "Xisha Qundao, administered by China, claimed by Vietnam" (Tây Sa quần đảo, Trung Quốc quản lý, Việt Nam tuyên bố chủ quyền). Thật ra dòng này đã xuất hiện từ lâu trong một số bản đồ khác thuộc bộ Bản đồ các châu lục, khu vực và quốc gia cũng do NGS phát hành tại địa chỉ http://www.natgeomaps.com/continents_regions.html chứ không phải do sửa từ những bản đồ sai lệch kia.

Trọng Kha

Tiếp xúc với Thanh Niên, nhà nghiên cứu địa đồ cổ Phạm Hoàng Quân phân tích: “Nguyên nhân của vụ việc này theo tôi có thể xảy ra theo hai hướng. Thứ nhất, NGS đã bị chi phối bởi kinh tế hoặc chính trị. Một nguyên nhân khác, khả quan hơn, chỉ là một lỗi chuyên môn, thuần về học thuật. NGS mặc dù là một tổ chức tư nhân có uy tín song họ cũng có nhiều sai sót chứ không phải không. Vụ việc này cũng là cơ hội để bạn đọc cũng như các học giả VN thấy được việc không nên tin tưởng quá vào các cơ quan nghiên cứu kể cả khi chúng mang những cái mác quan trọng như vậy.

Bản thân tôi cũng vừa cho công bố một bài viết liên quan đến một bản đồ VN cổ (được cho là có từ thế kỷ XIX) do Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ mua được năm 1982 sau đó được giới thiệu trên tập san The Portolan - cơ quan của Hội Bản đồ Washington (Washington Map Society) và được chuyển cho một nhà nghiên cứu bản đồ tên tuổi của VN giám định. Trong bài viết của mình tôi đã chứng minh tấm bản đồ có rất nhiều điểm bất hợp lý và nhiều khả năng là một bản đồ giả. Điều tôi còn băn khoăn là thời điểm tấm bản đồ này được đưa ra công luận. Đặc biệt tấm bản đồ này thiếu nhiều đảo lớn ven bờ và quần đảo xa bờ”.

Trường Sơn (ghi)

No comments:

Post a Comment