Saturday, March 27, 2010

HÃY TRI ÂN TẤT CẢ NHỮNG AI ĐÃ DẤN THÂN ĐẤU TRANH VÌ TỰ DO DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM


HÃY TRI ÂN TẤT CẢ NHỮNG AI ĐÃ DẤN THÂN ĐẤU TRANH      
VÌ TỰ DO DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM
 
            Một ngày đầu năm đẹp trời, chúng tôi nhận được tin vui : nữ luật sư trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân đã thụ xong bản án tù giam 3 năm được trở về đoàn tụ với gia đình. Thời gian trước đây vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007, chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi cùng nhau về những vấn đề chính yếu của công cuộc tranh đấu dân chủ, tự do và nhân quyền của đất nước…





















NGƯỜI YÊU NƯỚC
Chúng tôi rất ái mộ và mến phục nữ luật sư Công Nhân, một người con gái nhỏ nhắn, trẻ trung luôn tươi cười vui với vẻ luôn luôn hồn nhiên. Trong khi hầu như các thanh nữ ở lớp tuổi của cô họ đang mê mải với son phấn, quần là áo lụa, đồ hàng hiệu thời trang, xe máy thời trang đắt tiền … Có những người thanh nữ tiêu tiền như nhặt được, như có cô nhân ngày sinh nhật mình đã tặng bạn cả chiếc xe Honda hiệu @ trị giá hàng trăm triệu đồng không chút vấn vương suy nghĩ. Trong khi đó dấn thân đấu tranh cho dân chủ cũng như anh em trong nước Công Nhân có lúc phải chắt chiu những đồng tiền nhỏ để ủng hộ giúp đỡ những người dân nghèo khó từ các miền quê xa lên Hà Nội kêu oan, vậy mà cô không nề hà dù nguy hiểm đến tính mạng. Công Nhân đã nói rõ : “Tôi đấu tranh chống cộng sản để mong đất nước được dân chủ, người dân thực sự được hạnh phúc…”.
            Chúng tôi gồm tôi – Dương Thị Xuân và một kỹ sư trẻ tuổi sinh năm 1977 tốt nghiệp đại học giao thông vận tải quê gốc ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tên là Trần Văn Huy mới tham gia Phong trào tranh đấu dân chủ đã đến thăm Công Nhân chiều hôm 12/3/2010 khi cả hai chúng tôi đã mạn đàm trò chuyện với anh Nguyễn Khắc Toàn khá lâu, và tất nhiên không quên hỏi địa chỉ cụ thể của gia đình cô qua anh Toàn chỉ dẫn. Và cả 2 chúng tôi đã được gặp một người con gái kiên cường mới thoát từ nhà tù của chế độ cộng sản giữa căn hộ của gia đình của cô ở khu tập thể của văn phòng chính phủ thuộc phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.  Người xưa có câu : “ Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại tức là một ngày ở tù bằng ngàn năm ở ngoài”. Trong khi đó cô đã chịu đựng hơn ngàn ngày ròng rã trong trại giam giữa sự canh gác cẩn mật của chế độ lao tù, ở cô phải có một niềm tin sắt đá vào phong trào dân chủ mạnh mẽ đến nhường nào để vượt qua được bước đường khổ ải gian truân ấy. Cô kể với chúng tôi: “có đi tù mới thấy trí tưởng tượng phong phú của con người, cũng không thể tưởng tượng nổi chế độ lao tù của CSVN nghiệt ngã đến độ nào mà kể hết được”.
Trại giam số 5 thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nơi cô bị giam cầm nằm giữa vùng núi hẻo lánh, khí hậu vô cùng khắc nghiệt vì giáp biên giới Việt-Lào. Trại tù này có hơn 1000 người bị giam giữ ở đó, trong mỗi buồng giam, trung bình có 60 người tù bị nhốt trong một diện tích nhỏ, hẹp mỗi người chỉ được ngả lưng trong phạm vi một chiều 2 mét dài còn chiều rộng chỉ có 60 cm. Tức là các tù nhân phải nằm úp thìa vào nhau mới ngủ được, những người gầy ốm nằm còn khó nếu ai to béo chắc không ngủ nổi. Công Nhân còn kể tiếp : “cán bộ công an cộng sản rất cay cú câu nói của em: “đi tù chưa phải là điều tồi tệ nhất”, nên khi ở trong tù là họ tìm cách để hành hạ em”. Họ nói : “đi tù chưa phải là điều tồi tệ nhất thì họ sẽ làm cho cô sống còn tồi tệ hơn”…”. Song, bị đọa đầy về vật chất thì có lẽ có thể còn chịu đựng được vì con người có thế ăn đói, mặc rách nhưng không thể chịu nổi sự cô đơn ngay giữa bầy đàn. Bởi vì buồng giam của cô toàn bộ là án tù nữ thường phạm, như phạm tội buôn bán ma túy, tham ô, ăn hối lộ, lừa đảo, giết người…Cô nói : “hôm truyền hình nhà nước cộng sản đưa tin Đức cha Ngô Quang Kiệt nhưng lại cắt xén làm méo mó, thất thiệt về việc Ngài nói khi cầm tấm hộ chiếu ra nước ngoài nên gần 60 người trong phòng khi xem tin này họ gần như đồng thanh gào lên đòi giết Đức Cha Tổng giám mục Hà Nội…”. Cô thấy mình đơn độc vì không sao giải thích, hay cho họ biết được sự thật mà hôm nay cô được biết là rõ là do chính quyền cộng sản đã đơm đặt, cắt xén chỉ để vu khống và nhằm nói xấu Đức cha mà thôi. Nhưng cô còn thương cảm hơn cho những nữ tù nhân gồm đủ các sắc tộc người Thượng thuộc các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, cô nói : “Thương họ lắm chị ạ, giữa thế kỷ này công nghệ viễn thông phát triển, trẻ em thành thị, nông thôn còn biết sử dụng Internet, điện thoại di động… mà trong khi đó hầu như tất cả số họ không biết chữ, chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ dân tộc của mình, còn vốn tiếng Việt chỉ bập bẹ được chút ít thôi. Vậy mà họ bị chính quyền và công an CSVN gán tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và bị kêu án những 6-7 năm tù giam. Như trường hợp của em đây, còn có mẹ thăm nuôi hàng tháng, chứ họ thì phải gọi là lầm lũi trong bóng tối của nhà lao vì gia đình ở xa, nhà nghèo cả năm chẳng có ai thăm nuôi họ cả, mà khi hỏi bị đi tù vì tội gì thì họ nói : “không biết bị kêu án vì tội chi cả ?””.
Em kỹ sư Trần Văn Huy cùng tôi đến thăm Công Nhân chiều hôm ấy cũng cho hay một câu chuyện : “Cậu này có lần phải chỉ huy công nhân vào thi công cột bưu điện viễn thông ở ngay trong trại giam Thanh Chương – Nghệ An, nên cậu đã từng chứng kiến cảnh có phạm nhân đi lao động chẳng may làm gẫy cán xẻng, vậy mà kẻ quản giáo nữ cán bộ công an đã dùng nhục hình là bắt người này nằm úp mặt trên đất trên lưng để cái xẻng gẫy và bắt nằm như vậy từ 7 giờ sáng bắt đầu giờ làm việc cho đến 11 giờ trưa; anh này nếu cựa quậy là bà cán bộ quản giáo ra lệnh cứ cán xẻng đánh ngay…”. Chính trại giam Thanh Chương này dưới sự cai quản của công an đảng cộng sản đối xử tù nhân dã man, bạo tàn như thời trung cổ đã bị ông Võ Văn Nghệ một dân oan tỉnh Thanh Hóa và cô Hồ Thị Bích Khương tố cáo vạch trần đanh thép qua các tài liệu, bài viết, tiếng nói vì họ cũng đã từng bị tù đầy ở đây nhiều năm…

            Chúng tôi rất khâm phục sự chịu đựng trong lao tù của Công Nhân thì cô nói tiếp, giọng rất cảm động : “Em cám ơn tất cả các nhà tranh đấu dân chủ đi trước, chính nhờ có sự đấu tranh của họ mà cuộc sống lao tù của em đã bớt nghiệt ngã, và nhờ họ mà em không đơn độc, vững bước kiên định trên con đường tranh đấu với cộng sản”. Kỹ sư Huy cũng nói : “Khi đọc báo chí trong nước nói về vụ xử án nữ luật sư Lê Thị Công Nhân và luật sư Nguyễn Văn Đài thì từ hôm đó Huy rất ngưỡng mộ Công Nhân và tự nhủ tại sao một cô gái trẻ tuổi hơn mình, thân hình mảnh dẻ mà dám đứng lên tranh đấu với cộng sản, vậy mà mình là đàn ông kém được sao ? Cũng từ đó kỹ sư Huy cùng rất nhiều nam thanh niên, trí thức trẻ tuổi nghĩ thế nên đã mạnh dạn tham gia vào phong trào đấu tranh cho nền dân chủ, tự do và nhân quyền ở Việt Nam.
            Hôm ấy tôi đã chuyển điện thoại của mình cho cô nói chuyện với Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn hỏi thăm trực tiếp, chúng tôi nghe rõ qua điện thoại thấy anh cũng nói : “Công Nhân nói đúng đấy, cách đây chỉ mấy năm thôi, nếu trường hợp của Công Nhân, Nguyễn Văn Đài v.v… thì những bản án tù giam bị nhà nước CS độc tài này gán cho họ không chỉ là 3-4 năm thôi, mà phải là hai con số tức là hơn chục năm tù cho đến chung thân v.v…”. Còn tôi trước đây khi mới tham gia phong trào dân chủ thì luôn thắc mắc : “không hiểu tại sao, những người đấu tranh dân chủ chỉ nêu chính kiến, họ có một tấc sắt nào đứng lên đánh lại người nhà nước đâu mà lại bị tù đày khắc khổ như vậy”. Nhưng khi dấn thân vào tranh đấu dân chủ tôi mới thấy rõ : Nhà nước và đảng cộng sản đã tước đoạt hết quyền con người của người dân dù họ chỉ suy nghĩ và bày tỏ ra mà thôi. Ở Việt Nam người dân làm gì có được tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, biểu tình, minh tinh, tự do bầu cử, ứng cử, vận động bầu cử…Mà tất cả những quyền con người tối thiểu này đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế, cũng như trong bản Tuyên Ngôn độc lập ngày 2-9-1945, do đích thân ông Hồ Chí Minh đọc tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Rồi bao sự kiện phi dân chủ, nhân quyền vi hiến khác rất trầm trọng vẫn cứ diễn ra, chẳng hạn như năm 2007, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị nhấn mạnh : không cho phép có báo chí tư nhân. Năm 2004, ông cựu thủ tướng Phan Văn Khải chỉ thị : hội họp 05 người trở lên phải xin phép v.v…và v.v…
             Đảng cộng sản Việt nam độc quyền lãnh đạo chính trị, xã hội một cách tuyệt đối, triệt để, toàn diện, cấm đa nguyên, đa đảng, ai mà kêu gọi đa nguyên, đa đảng như ông Trần Xuân Bách ủy viên bộ chính trị, bí thư trung ương đảng - một cán bộ cộng sản cấp tối cao mà còn bị kỷ luật, bị quản thúc tại gia như tù giam lỏng cho đến chết. Hay như cố lão trung tướng, 3 lần ủy viên trung ương đảng CSVN- cụ Trần Độ, giáo sư Hoàng Minh Chính đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước thì bị công an bao vây quanh nhà, bị cướp tài liệu, bị bắt giam bỏ tù hàng chục năm, khi được thả ra để quản thúc tại gia nếu có ai đến nhà thăm khi ra về đều bị công an bắt giữ, thẩm vấn tra hỏi như tội phạm trộm cắp… Người dân làm chi có quyền hành gì, trong khi đảng và nhà nước luôn luôn nói : chính quyền của dân, do dân, vì dân v.v… Cũng như điều luật nhà nước cộng sản Việt Nam đề ra : “Đất đai là sở hữu của toàn dân”. Nhưng trên đời sống thực tế thì người dân chả có tí quyền gì, vì chính quyền ở đâu thích lấy đất của dân là lấy, báo chí trong nước phải liên tục đưa tin gần như các tỉnh trên cả nước địa phương nào cũng có cảnh tước đoạt ruộng đất của nhân dân đền bù rẻ mạt như cướp không. Ở Hà Nội năm 2004, dự án lấy đất của dân Phú Thượng, nơi có cánh đồng trồng hoa đào nổi tiếng thủ đô, nhà nước đền bù hơn 20 triệu đồng /1sào, ngay sau đó họ cho đấu giá lên tới 15 triệu đồng / 1m2. Rồi gần đây mấy lão tướng quân đội CSVN là Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Hữu Anh… đã lên tiếng cảnh báo về việc cho người nước ngoài thuê đất thời hạn dài 50 năm, người nông dân trong nước cũng chỉ được cho thuê đất thời hạn này. Vậy người dân nước ngoài được hưởng như dân trong nước thì đây thực chất có phải là bán nhượng đất không ? Người dân trong nước ai được hỏi về việc này khi ngay cả những người được gọi là đại diện cho dân là “đại biểu quốc hội” có hay biết vụ việc này không ? Đất đai lãnh thổ, lãnh hải có được là do ông cha, tổ tiên lưu truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay, vậy mà tình cảnh là như vậy đấy. Thế nhưng nếu ai dấn thân tranh đấu, như nhà nữ báo tự do trẻ tuổi Phạm Thanh Nghiên quê gốc ở Hải Phòng cất lên tiếng kêu thống thiết : “Uất ức biển ta ơi” cảm thương cho những người ngư dân bị tàu của Trung Quốc bắn chết ngay trên biển nhà, và kể cả việc cô ngồi tại gia treo khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là máu thịt của Việt Nam” mà cũng bị bắt giam tù đầy, bị kêu án 4 năm giam giữ... Trong khi đó cán bộ cộng sản thì như vụ PMU 18, thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được phục chức, các nhà báo đưa tin vụ việc này thì vô tù hay như vụ dự án xa lộ “Hành lang Đông-Tây” trong thành phố Sài Gòn, phía Nhật Bản đã đưa xét xử vụ cán bộ công ty PCI khai đã đưa hối lộ cho Huỳnh Văn Sỹ hàng triệu mỹ kim thì ông Sỹ này mới chỉ bị kêu về tội cho thuê nhà, tội thiếu trách nhiệm thôi… với mức án 3 năm nhẹ nhàng. Nhưng sau đó do công luận bất bình vì xử án quá nhẹ nên khi xử án phúc thẩm mới nâng lên 6 năm tù giam cho nhân vật bị đem ra tế thần này nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận trong, ngoài nước…
             Ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần đã nói, ông rất “muốn như ông Phạm Văn Đồng trong thời gian làm thủ tướng mấy chục năm mà chưa hề kỷ luật ai”. Nhưng còn các nhà tranh đấu dân chủ thì sẽ là tù đày, công việc làm ăn bị gây khó dễ, người thì bị tước công việc hành nghề như các luật sư, người thì bị gây tai nạn, chèn xe, phá nhà cửa, bao vây triệt hạ kinh tế khốn đốn đủ đường… Họ còn thủ đoạn hơn nữa là chỉ đạo công an của đảng và nhà nước bao vây mọi sinh hoạt, ngăn chặn, tung tin gây cản trở, phá hoại tình cảm gia đình vợ chồng cha mẹ con cái anh em họ hàng bạn bè hòng cách ly, cô lập làm lung lạc các nhà tranh đấu dân chủ… Các an ninh, viên chức của nhà nước CSVN họ nói thẳng : “Các vị muốn làm giàu thì nhìn mấy ông cán bộ cộng sản vừa nêu đó, còn muốn tranh đấu đòi tự do dân chủ thì họ sẽ bao vây mọi đường để triệt hạ tư tưởng đấu tranh đến cùng…”. Do vậy cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người tham gia tranh đấu tự do dân chủ vô cùng gian nan vất vả, gian nan, khó khăn, nguy hiểm. Nhưng cho đến hôm nay sự đấu tranh kiên cường của các nhà tranh đấu trong nước vẫn vững vàng và phong trào tranh đấu dân chủ ngày mạnh lên chính nhờ gương đấu tranh kiên trì của các bậc tiền bối cha anh chúng ta đi trước, cũng như sự đóng góp giúp sức rất lớn của tất cả các quý vị yêu dân chủ tự do trên cả địa cầu. Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân dũng cảm đấu tranh đã thụ hết án tù giam được trở về với gia đình nhờ các gương tranh đấu của tất cả các nhà tranh đấu trong và ngoài nước đi trước, cũng như sự tiếp sức của các quý vị là minh chứng thực tế nhất cho điều ấy. Thật đúng là :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, phong trào trở nên mạnh mẽ khi có sự đấu tranh của các nhà dân chủ cộng với sự góp sức của nhiều đồng bào thân hữu qua những cuộc biểu tình và sự ủng hộ quyên góp của các anh chị em trong nước cũng như ở hải ngoại. Ở nước Mỹ, khi tổng thống Obama khi tranh cử có khẩu hiệu “thay đổi”, mỗi người dân hào hứng góp một số tiền nhỏ ủng hộ cuộc tranh cử nhưng đóng góp lớn nhất của họ là sự tin tưởng vào “giấc mơ Mỹ” vào sự thay đổi một đất nước hùng mạnh. Ở Việt Nam, chúng ta muốn đất nước có tự do ngôn luận, người dân được hưởng đầy đủ quyền con người, được cầm lá phiếu đi bầu cử bầu một Quốc hội thật sự của dân, những người dám đứng lên bảo vệ lãnh thổ tổ quốc, bảo vệ quyền con người,… thì không thể ngồi chờ đảng cộng sản VN “ban phát” ân huệ nhân quyền mà phải qua sự đấu tranh của các nhà tranh đấu dân chủ và sự giúp đỡ tinh thần, vật chất của tất cả anh chị em, nền chính trị lạc hậu mới được thay đổi và “ước mơ Việt” mới thành sự thật.
Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ của chúng tôi trong nước rất khó khăn, nhưng chúng tôi cũng không đơn độc, khi chúng tôi từng được biết có những mối quan tâm và chia sẻ miếng cơm, tấm áo của các anh em thân hữu xa gần lúc chúng tôi khó khăn. Sự đóng góp của anh em trong đó chan chứa tình bằng hữu như có các anh chị em trong Nhóm thân hữu ở tiểu bang Oregon bên Hoa Kỳ xa xôi do anh Nguyễn Hà Tịnh đứng mũi chịu sào; như khối đấu tranh 8406 trong quốc nội; như sự kiên trì bền bỉ của các khối yểm trợ 1706, 1906, đài phát thanh VNSR bên Úc Châu mà chị Bảo Khánh, anh Trần Hồng Quân là những người đại diện; các diễn đàn Paltakl trên Mạng do ông Sĩ Hoàng, anh Biển Nhớ, Nguyễn Nam Phong điều hành,v.v… Tất cả những hoạt động hỗ trợ có hiệu quả đó đã giúp chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn và động viên chúng tôi kiên trì trên con đường đấu tranh gian lao nguy hiểm đầy chông gai.
Không có sự đấu tranh bền bỉ, kiên trì đóng góp của tất cả các Quý vị thì sẽ không có Dân chủ Tự do cho toàn dân tộc, cho Tổ quốc của Việt Nam yêu thương có chung ông Tổ Vua Hùng vào ngày mai sẽ đến. Tôi nhớ có lần qua làn sóng phát thanh của một đài hải ngoại, ông phóng viên có hỏi tôi : “Thưa chị, chị nghĩ sao chúng tôi là những người căm ghét chế độ cộng sản VN, chúng tôi đã ra nước ngoài và hiện nay đang sống ở một đất nước tự do, dân chủ, cuộc sống của chúng tôi rất đủ đầy hạnh phúc, sung sướng. Vậy thì chúng tôi cần gì phải quan tâm đến tình hình nhân dân và đất nước nữa ?”. Tôi có trả lời ngay quý vị đó là : “Tổ quốc Việt Nam là của tất cả những người con Lạc cháu Hồng, không phân biệt người trong nước hay hải ngoại xa xôi, không phân biệt ý thức hệ. Quý vị đã ra đi và đang yên ổn sống hạnh phúc, đủ đầy bên xứ người, quý vị có quyền suy nghĩ như vậy. Thế nhưng tôi tin là nếu có lòng yêu nước thương dân, có lương tri con người trong sáng, lành mạnh thì quý vị sẽ nhận thức và suy nghĩ khác…”.
Tôi nghĩ dân tộc Việt Nam ta sẽ tri ân tất cả những ai đã dấn thân đấu tranh cho dân chủ, cũng như đóng góp ủng hộ dân chủ ngày hôm nay. Nhà thờ Công Giáo có câu : “Tương lai nhân loại sẽ đi ngang qua các gia đình”. Tương lai của Tổ quốc ta sẽ bừng sáng khi chúng ta không ngừng đấu tranh cho tự do dân chủ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc, đòi quyền tự do về cho người dân. Chúng ta đồng hành đấu tranh tự do dân chủ có gian khổ, hiểm nguy nhưng chúng ta sẽ ngẩng cao đầu vì đã không sống bo bo chỉ biết một gia đình mình và hãnh diện với con cháu muôn đời mai sau. Rằng : “ Chúng ta không cam chịu sống mất tự do, nặng lòng vì Tổ quốc thương những người dân thấp cổ bé nhỏ, không để mất một tấc đất của Tổ Tiên và nhất là không cúi đầu trước cường quyền của độc tài đảng trị của nhà nước cộng sản. Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cần tất cả chúng ta chung tay và gắng sức cả vật chất lẫn tinh thần không phân biệt người trong nước hay ở hải ngoại…”.        
            Trong “Bài ca chúc tết thanh niên”  của nhà chí sĩ Phan Bội Châu có viết:
“Dậy ! Dậy ! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Thưa các cô, các cậu lại các anh
Đời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn.”
            Lời của Cụ Phan là hồi kèn đồng vang lên kêu gọi thôi thúc tất cả chúng ta hãy- Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn vì giang sơn là của tất cả chúng ta, của tất cả con Rồng cháu Tiên chứ không của riêng đảng cộng sản Việt Nam độc chiếm, độc tài nắm giữ quyền lực tuyệt đối, toàn diện như bao thập niên qua. Tổ quốc Việt Nam có được nền kinh tế phát triển thực sự, nhân dân được tự do ấm no hạnh phúc, quyền con người được tôn trọng thực sự kêu gọi sự đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền của tất cả chúng ta, của tất cả các quý vị nặng lòng vì đất nước hôm nay và ngày mai mãi mãi.
            Một lần nữa chúng tôi xin được tri ân các gương đấu tranh dũng cảm của các nhà tranh đấu dân chủ tiền bối cũng như của các quý vị hiện nay như các Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh; cảm ơn sự quan tâm của các vị khác trong giáo hội như Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, các linh mục Chân Tín, Phan Văn Lợi, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải trong nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền và tất cả anh chị em yêu dân chủ trong nước và hải ngoại… Xin cảm ơn các vị tranh đấu cho tự do dân chủ, cũng như xin cảm ơn tất cả các vị có tấm lòng hảo tâm giúp sức vật chất và tinh thần cho phong trào dân chủ trong nước vững mạnh.
Hà Nội ngày 20-24/3/20
Dương Thị Xuân -  ký giả báo Tập san Tự do Dân chủ

No comments:

Post a Comment