HÀ NỘI (NV) - Mặc dù ở chung một phòng với 60 người nữ tù nhân khác, nhưng LS Lê Thị Công Nhân bị cô lập hoàn toàn từ ngày mới vào tù cho tới khi được về, theo lời cô nói với báo Người Việt hôm 8 tháng 3.
“Tôi bị cô lập từ khi vào tù đến khi ra,” cô nói.
Cô miêu tả phòng giam: “60 người nữ tù trong một phòng giam nhỏ, chỗ nằm của mỗi người chỉ có 60cm x 2m vai chạm vai. Khủng khiếp.”
Tuy sống chung chật chội như vậy, nhưng nhà tù tuyệt đối cấm tất cả mọi người không được tiếp xúc với cô.
Cô kể, có người tù thiếu chăn, cô cho mượn chăn, và sau đó người đó bị kỷ luật.
“Tôi chỉ có thể trao đổi với các người khác một cách bí mật,” LS Công Nhân cho biết.
Theo lời cô kể, đa số nữ tù nhân có thân nhân tiếp tế nên ăn uống tương đối đầy đủ. Nhà tù không thiếu cơm: Mỗi tù nhân được cấp cho 17 kí gạo một tháng, ăn không hết. Nhưng ngoài ra, mỗi người mỗi bữa chỉ có 2 miếng rau cải bắp bằng 3 ngón tay. Một tuần lễ được một miếng thịt mỡ nhỏ bằng 2 ngón tay toàn mỡ.
Trong cảnh sống chật chội như vậy, chuyện lây bệnh là bình thường.
“Có lần một người bị cúm là cả hai chục người bị cúm theo, lây lẫn nhau, mà cũng không có thuốc chữa trị.” LS Công Nhân nói.
Chuyện tắm của nữ tù cũng là một sự xúc phạm. Hàng ngày, giữ vệ sinh thân thể, nữ tù nhân ở trại tù số 5 huyện Yên Ðịnh tỉnh Thanh Hóa phải múc nước giếng tắm truồng tập thể giữa trời dù là Mùa Ðông giá buốt hay Mùa Hè nóng cháy da.
“Ở thế kỷ 21 mà cả trăm nữ tù phải tắm như một bầy thú. Người nọ cãi nhau với người kia vì tí nước, trần truồng như vậy.” LS Lê Thị Công Nhân nói với báo Người Việt. “Có phòng tắm trong phòng giam nhưng họ không cho tắm vì sợ tắc cống. Không thể tưởng tượng nổi”.
Cô cho hay chị đã đề nghị với ban quản lý nhà tù Yên Ðịnh nhưng không được chấp nhận. “Cho đến ngày tôi ra tù, tình trạng này vẫn vậy,” cô nói.
Về tình trạng sức khỏe, trong ít ngày tới cô cho hay sẽ đi bác sĩ để lo chữa trị một số bệnh. Mắt có một cái mụn bị ở trong tù hồi năm ngoái. Trước đó, bị đau nhức, thấp khớp mà nhiều khi, cô nói đau quá đêm ngủ không nổi. Nhà tù không cung cấp thuốc men gì nên tùy thuộc hoàn toàn vào sự tiếp tế, săn sóc của bà mẹ mỗi tháng một lần thăm.
LS Lê Thị Công Nhân bị bắt ngày 6 tháng 3 năm 2007 ở Hà Nội khi thuyết trình đề tài nhân quyền cho một nhóm sinh viên tại văn phòng luật Thiên Ân mà Luật Sư Nguyễn Văn Ðài làm trưởng văn phòng. Cô cũng như LS Ðài bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước XHCN” theo điều 88 Luật Hình Sự.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 11 tháng 5 năm 2007 kết án cô 4 năm tù, 3 năm quản chế. Luật Sư Ðài bị 5 năm tù, 4 năm quản chế. Phiên tòa phúc thẩm ngày 27 tháng 11 năm 2007 giảm bớt một năm tù cho mỗi người trước các áp lực của dư luận quốc tế.
LS Lê Thị Công Nhân là thành viên của Liên Ðoàn Luật Sư Quốc Tế, thành viên Khối 8406 và cũng là phát ngôn viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam.
Năm 2008, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền trao tặng giải thưởng Hellman/Hammett cho Lê Thị Công Nhân vì đã can đảm đấu tranh đòi hỏi nhân quyền bất chấp đến các nguy hiểm, tù tội cho bản thân.
Trước khi có phiên tòa phúc thẩm, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng công du Ba Lan giữa tháng 9 năm 2007. Khi bị báo chí nước này chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền và vụ án Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng nếu nước Ba Lan nhận, Hà Nội cho LS Công Nhân đi ngay.
Bà Trần Thị Lệ từng được yêu cầu bà thuyết phục con gái, đề nghị “nhận tội và xin khoan hồng” thì sẽ được trả tự do sớm. Trong một lần tiếp xúc với báo Người Việt, bà Lê cho hay viên chức Bộ Công An đem đến cả giấy và bút sẵn sàng để bà viết đơn “kiến nghị” thay cho con gái xin “khoan hồng”.
Trước khi bị bỏ tù, nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân từng tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng hay thỏa hiệp với một chế độ không tôn trọng quyền làm người của người dân.
No comments:
Post a Comment