Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Luật Sư Lê Thị Công Nhân ra tù hôm sáng 6 tháng 3, 2010. Từ Hà Nội, Luật Sư Nhân dành cho Ðinh Quang Anh Thái của Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, lúc sáu giờ chiều ngày 8 tháng 3.
- ÐQAT: Xin có lời mừng chị, thưa Luật Sư Lê Thị Công Nhân.
- LS Lê Thị Công Nhân: Xin chào anh, và toàn thể quý vị. Tôi rất vui mừng lại được trò chuyện với đồng hương Việt Nam tại hải ngoại, sau ba năm, nay tôi trở về.
- ÐQAT: Luật sư có thể cho biết sức khỏe của mình, về mặt thể chất và tinh thần ra sao?Với tuổi trẻ, lúc nào cũng sống quá chi ly và quá đề cao bản thân, thì đánh mất đi sự bất ngờ thú vị của cuộc sống... Tuổi trẻ phải bay bổng và lãng mạn... phải đam mê, và phải có trách nhiệm với chính trị. Mà chính trị thì chẳng phải là điều gì xa vời. |
- LS Lê Thị Công Nhân: Về mặt thể chất, tôi không khỏe lắm, vì vào tù tôi bị thêm một vài căn bệnh mới. Những căn bệnh trước đây tôi bị mãn tính thì bây giờ nặng hơn một chút, nhưng nói chung tôi cũng không quá yếu. Trong tù, tôi cố gắng sống một cách tích cực, lành mạnh và độc lập. Nhờ đó, sức khỏe tôi không đến nỗi tuột dốc. Tinh thần của tôi thì, có khi còn tốt hơn khi tôi đi tù.
- ÐQAT: Luật sư có thể nói rõ hơn một tí, tinh thần tốt hơn thời gian đi tù?
- LS Lê Thị Công Nhân: Tôi nghĩ tinh thần gồm hai khía cạnh lớn. Về mặt tình cảm, thái độ thì tôi là người rất lạc quan. Nói chung tôi đi tù như thế này thì chính quyền đã sai lầm, vì họ nghĩ rằng nhà tù có thể bẻ cong ý chí của tôi.
Ba năm sống cực kỳ khó khăn và sống giữa những con người ở vị thế bần cùng nhất xã hội mà chúng tôi vẫn gọi nhà tù là địa ngục của trần gian thì điều đó rèn luyện cho tôi một ý chí. Ý chí đó không đơn thuần có được nhờ vững mạnh, vững bền. Chính những điều tôi thấy rõ, tôi cảm nhận trong tù khiến tôi thấy rõ con đường mà tôi đấu tranh, bảo vệ là hoàn toàn đúng đắn.
- ÐQAT: Thưa luật sư, có người từng phát biểu rằng, hoàn cảnh nghiệt ngã và đau khổ là cái thang đi lên hay đi xuống, tùy sự lựa chọn của mỗi người. Qua những lời phát biểu vừa rồi, có thể thấy rằng luật sư chọn hướng đi lên nhưng thảng hoặc trong đời sống cùng cực của trại giam, như luật sư nói là địa ngục trần gian, làm thế nào giữ vững được tinh thần?
- LS Lê Thị Công Nhân: Mình phải có niềm tin, niềm tin vào chân lý, niềm tin vào chính bản thân mình và niềm tin vào những người xung quanh. Những người xung quanh có lẽ là điều dễ làm mình thay đổi, nhất là sự lựa chọn con đường sống của chính mình.
Tôi đã phải suy nghĩ rất kỹ, thậm chí là mất ăn, mất ngủ, trầm trọng thao thức để đối mặt với những khó khăn mà công an gây ra. Và sau sự việc này thì tôi đã mất đi những người bạn trong nước, những người bạn thân thiết bình thường, như bạn học cùng phổ thông. Ai cũng có những người bạn như vậy và những người đó cũng đã xác định trước mặc dù chưa biết trước được kết quả sẽ như thế nào.
Khi vào tù, cũng có những ảnh hưởng từ những người tù xung quanh đến tôi. Và rất may mắn, là tôi nhận sự ảnh hưởng của họ một cách tích cực.
Nếu như những người đó sống trong một xã hội dân chủ thì hẳn họ sẽ tiến bộ hơn rất nhiều, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ở đây không được như thế. Tôi hiểu được tại sao đôi khi họ xa lánh tôi ở trong tù. Lúc tôi ra khỏi nhà tù, tôi quay lại, nhìn vào, và những người công an ở chung quanh tôi nói “...nhớ... trong này nha.”
Tôi trả lời: “Vâng, đúng vậy” Tôi rất thương những người ở lại trong đó, mặc dù họ có tội lỗi gì đi chăng nữa. Tôi nghĩ tôi cũng sẽ làm một điều gì đó để góp phần cải thiện đời sống của tù nhân trong tù. Ý tôi muốn nói là cuộc sống giữa những người tù thông thường mang đến cho tôi sự thấm thía, giúp tôi thấy được những kết quả cực kỳ tệ hại mà chính quyền độc tài gây ra cho nhân dân kinh khủng như thế nào.
- ÐQAT: Thưa luật sư, theo chỗ chúng tôi được biết, luật sư là người sinh ra và lớn lên sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, với một thể chế xã hội mà chỉ muốn con người lao vào kiếm miếng ăn thôi mà đừng chú ý gì vào chính trị và đời sống xung quanh thì trong hoàn cảnh tâm tư nào luật sư ý thức rất rõ ước vọng dân chủ của dân tộc Việt Nam để dấn thân đấu tranh cho lý tưởng đó?
- LS Lê Thị Công Nhân: Những nhận thức mà tôi có được là từ khi còn nhỏ, khi những hiểu biết chỉ có thể có được qua cảm nhận, bằng tình cảm và trái tim tôi.
Khi còn nhỏ, tôi đã thấy những bất công nặng nề, nhan nhản ngay trên đường phố. Lúc ấy tôi quá nhỏ, không hiểu thế nào là chính trị, thế nào là văn hóa. Tôi còn chưa phân biệt được những khái niệm ấy, chỉ nhớ rằng, khi 8, 9 tuổi, đi chợ với mẹ, tôi thấy những người phụ nữ, rất nhút nhát, cực kỳ nghèo khó. Họ bán những món hàng nhỏ nhặt thôi, gọi là buôn thúng bán mẹt. Tôi thấy công an đổ ập đến và hất hết những món đồ của họ. Họ giằng lại vì đó là mưu sinh, nhưng hàng chục công an, dân phòng, mạnh mẽ về sức khỏe và vũ lực, giật tung các món đồ họ bán...
Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi mãi. Còn những điều tôi được học ở trường, họ ca ngợi trên tivi, đất nước ta là anh hùng của thế kỷ, là lương tâm của thời đại, XHCN là tốt đẹp... Tôi bắt đầu để ý, có một điều gì đó không trung thực. Tôi không biết rõ nó là điều gì, nhưng tôi biết danh từ bất công trước những danh từ khác, trước danh từ chính trị, trước danh từ văn hóa, trước danh từ nhân quyền.
Ðó là điều tôi nhìn thấy từ xã hội Việt Nam. Ðó là những hình ảnh tôi không thể quên được vì gia đình tôi rất nghèo khó. Lương của ba dượng của tôi là lương giáo sư cũng không đủ sống, không bằng lương của những người công nhân, của những người buôn thúng bán mẹt.
Tôi không có khái niệm gì về an toàn giao thông, trật tự đường phố khi tôi 8, 9 tuổi trong xã hội bao cấp tăm tối như thế. Nếu những người buôn thúng bán mẹt vi phạm trật tự giao thông thì phải có cách nào khác cho họ. Những điều ấy manh nha trong đầu như thế.
Khi tôi lớn lên, tôi được học hành, tôi học đại học, học luật sư thì những hiểu biết của tôi tăng dần lên. Khi tôi học đại học luật, tôi thấy nền chính trị Việt Nam là nền chính trị quái thai, quái gở.
Chẳng có gì là chính trị cả. Họ hành xử như một lũ giang hồ đội lốt chính sách, không có một nền chính trị nào là cứu cánh cho dân tộc đi lên theo kiểu mà họ đang làm được. Tất cả cùng là dối trá, từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Trong cùng một phóng sự, họ nói hai câu ngược nhau bên cạnh nhau. Khi cần thì họ bảo là đã phát triển đáng kể. Ngay sau đó họ bảo là “nhưng vẫn còn rất nhiều, những điều nọ, điều kia...” Tôi thấy một sự dối trá trong cùng một cách đánh giá nào đấy.
- ÐQAT: Luật sư sẽ sắp xếp cuộc sống như thế nào, sau khi ra khỏi nhà tù?
- LS Lê Thị Công Nhân: Rất nhiều người hỏi tôi câu đó và người đầu tiên là công an. Một cách ngắn gọn, là “em định làm gì?”
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những gì tôi đã làm. Thậm chí tôi còn có thời gian ba năm quản chế để rút kinh nghiệm cho những sai sót của mình trong công việc nhưng lý tưởng của công việc, mục tiêu tôi theo đuổi trong cuộc đời đã được củng cố mạnh mẽ, và tôi tin rằng không thể nào mạnh mẽ hơn được nữa khi tôi ở tù ra.
Hoàn cảnh đặc biệt là khi tôi gặp được những người bạn trong phong trào, từng đi tù về như chị Lê Thị Kim Thu, anh Phạm Hồng Sơn. Chúng tôi đã ôm nhau và khóc nghẹn ngào, thương cảm lấy nhau.
Còn kế hoạch thì hoàn cảnh của tôi rất khó khăn. Sức khỏe của tôi không tốt lắm, lại bị bao vây cấm vận. Ðối với một công dân trong xã hội thì điều kiện của tôi thua sút họ nhiều. Hiện giờ tôi chưa có điện thoại và công an vẫn canh gác quanh nhà tôi rất đông. Họ chưa ngăn chận gì tôi bằng vũ lực cả. Tôi cũng chưa đi đâu ngoài đi ra chợ cóc cách nhà mấy trăm mét và đi về thôi, và họ đang theo dõi động thái của tôi.
Tôi xác định khó khăn mà tôi sẽ phải trải qua để cố gắng về mặt tinh thần, để tỉnh táo và suy nghĩ kế hoạch mình phải làm. Kế hoạch lớn nhất là sức khỏe và cập nhật thông tin trong ba năm vừa qua. Vì đầu óc cũng chưa hết bối rối để hòa nhập vào cuộc sống của gia đình và nhịp sống của xã hội.
Công việc, theo quan sát chủ quan của tôi, thì ba năm vừa qua cũng không có quá nhiều tiến bộ. Về phương thức những người hoạt động như chúng tôi có thể thay đổi một cách rõ rệt. Tôi vẫn dùng lời nói và ngòi bút để lên tiếng, tiếp tục duy trì hoạt động đấu tranh của tôi. Tôi thấm thía chính trị ở Việt Nam, họ chỉ sợ tôi lên tiếng thôi. Họ chỉ sợ tôi nói thật.
- ÐQAT: Với đồng bào tại hải ngoại và đặc biệt là giới trẻ lúc nào cũng lo lắng cho luật sư trong lúc bị giam giữ, luật sư có tâm sự gì muốn nói?
- LS Lê Thị Công Nhân: Tuổi trẻ là lứa tuổi rất thú vị. Vì đó là khoảng thời gian ít sợ hãi nhất trong cuộc đời một con người. Tôi đang gặm nhấm những điều thú vị của giới trẻ đây. Ðã là tuổi trẻ, thì cần phải sống một cách thú vị, làm những việc mình yêu thích, bay bổng và lãng mạn.
Tôi không nói bay bổng và lãng mạn trong lĩnh vực tình yêu lứa đôi, mà là lý tưởng trong cuộc sống, là ước mơ. Tôi cũng nói điều này trong văn học vì những người trung niên, lão niên thấy sống thú vị là phải sống sáng tạo và vượt lên chính mình. Thành công và có kết quả hay không, cần những yếu tố mà mình không thể quyết định.
Với tuổi trẻ, lúc nào cũng sống một cách quá chi ly và quá đề cao bản thân sự hoàn hảo, thì đánh mất đi sự bất ngờ, thú vị của cuộc sống. Có thể mỗi người một khuynh hướng, một đam mê, đam mê vì khuynh hướng gì đi nữa thì phải có trách nhiệm với chính trị. Chính trị không phải là điều gì xa vời. Mặt vật chất của chính trị chính là pháp luật, pháp luật được chính thức hóa bằng quyền lực nhà nước.
Quan trọng và cơ bản là phải thống nhất toàn bộ người dân trong xã hội, làm sao để cho mọi việc được phối hợp một cách nhịp nhàng, mọi quyền lợi đều được phát huy, luật sư thì cần phải làm gì, làm thế nào, trẻ em thì cần phải được những cái gì...
Tôi cho rằng đó là chính trị. Chính trị không sản xuất một con heo, vẽ ra một bức tranh, chính trị không làm những việc đó.
- ÐQAT: Cám ơn luật sư đã trả lời phỏng vấn của Người Việt. Kính chúc luật sư luôn giữ được sức khỏe tinh thần và thể chất.
No comments:
Post a Comment