Những “Khúc Ruột” Trên Dòng Tonlé Sap
Trần Mộng Tú
Từ hai tháng trước, khi sửa soạn chuyến đi Việt Nam, chúng tôi cũng đã có chương trình đi thăm Angkok Wat, và tôi đã dự tính trong lòng, thế nào cũng phải thăm ngôi làng nổi của người Việt trên Biển Hồ Tonlé Sap, thuộc Siêm Rệp (Siem Reap.)
Đã hơn hai mươi năm trước, tôi nghe có người nói với tôi về ngôi làng nổi lưu vong này, tôi chỉ mong có một ngày mình thu xếp được một chuyến đi đến đó cho thỏa lòng. Trong trí tưởng tượng của tôi: có một khoang thuyền nhỏ nào đó, có một ông cụ, ngồi dạy trẻ em đánh vần quốc ngữ Việt Nam; ở khoang thuyền khác có một ông ngồi bắt mạch hốt thuốc cho đám “nhân ngư”; rồi ở một cái thuyền khác tươm tất hơn, là nơi người ta tụ họp làm chốn thờ phụng, chốn tang ma, cưới hỏi theo từng tôn giáo. Bây giờ tôi sắp được nhìn tận mắt một nơi như thế rồi, hỏi sao tôi không nôn nả.
Sau khi đi thăm các ngôi đền đá trạm trổ danh tiếng của xứ sở Cam Bốt như đền Angkok Wat, Bayon, Pre Khan, Woman Temple và Farmer Temple, chúng tôi đi thăm làng nổi Việt Nam.
Tonlé Sap hay Biển Hồ của Campuchia có nghĩa là sông nước ngọt lớn. Người Việt quen gọi là Biển Hồ, chỉ sự rộng lớn của sông không có bến bờ.
Từ thành phố Siêm Rệp, chúng tôi đi xe mất ba mươi phút để đến cửa sông đào nhập vào sông Tonlé Sap, khúc sông đào này dài khoảng tám cây số. Chúng tôi bốn người, hai vợ chồng tôi và hai ông anh tôi cùng đi với nhau, thăm những người Việt sống trong những ngôi nhà nổi trên mặt sông này.
Chiếc thuyền máy băng băng qua dòng nước đục ngầu bùn, mùi nước thải có lẽ từ các ống cống thành phố xuống khúc sông đào dài này, bay vào mũi chúng tôi khá lâu. Hai bên bờ bắt đầu xuất hiện thưa thớt những ngôi nhà nổi của người Miên, khi thuyền nhập được ra sông lớn mới thấy bắt đầu có mùi cá và nhà nổi đông đúc hơn. Tôi nôn nao hỏi người lái thuyền:
“Đâu, khu nhà của người Việt đâu?”
Anh Sơn tôi, người đã đến trước đó một lần, cách đến mười lăm năm rồi, nói:
“Cứ từ từ, sắp đến rồi.”
Nghe anh nói từ từ, nhưng tiếng đập trong ngực tôi không chịu từ từ, những tiếng đập như có hai, ba, bốn trái tim cùng đập một lúc. Kìa cái nhà nổi đầu tiên của người Việt Nam xuất hiện. Anh lái thuyền táp thuyền sát vào cái mảng tre ở trước nhà, tôi thấy một phụ nữ trên dưới bốn mươi tuổi, nước da ngăm đen, đang ngồi trên một chiếc võng. Căn nhà không có cửa nên có thể nhìn thấy tất cả đồ đạc của gian phía trước. Một cái bàn thờ, có bát nhang, có hình Phật dán trên vách, một cái máy truyền hình nhỏ, một cái bàn thấp và một cái ghế. Tất cả đều sơ sài, giản dị.
Anh chèo thuyền nói:
“Bà hỏi gì thì hỏi đi.”
Tôi ngập ngừng một lúc, không biết mình hỏi tiếng Việt, người nghe có hiểu không? Tiếng Cam Bốt thì mình không biết, nhưng chợt nhớ ra là ở đây vẫn duy trì tiếng Việt, nên tôi vồn vã hỏi han và chị cũng vui vẻ trả lời. Chị tên Nga, bốn mươi hai tuổi, chỉ đứa con gái lên chín đang chơi ở một tấm mảng tre nổi bập bềnh sát nhà (khoảng 6 mét vuông.) Chị nói, đã ở đây hai thế hệ, mẹ chị sanh chị trên sông nước này, bà mới mất cách đây hai năm, cha còn sống, đang đi lưới. Chị cho biết hôm qua chồng chị đi bán nước ngọt cho du khách bị lính bắt cả thuyền. Hôm nay nước lớn chị cũng không muốn cho con đi học. Chị chỉ tay về phía trước, nói, đi lên độ năm phút sẽ thấy ngôi trường dạy tiếng Việt. Hỏi chị sao không lên bờ ở, có bị cấm đoán gì không? Chị nói:
“Không ai cấm lên, nhưng trước tiên là không có giấy tờ, không ai sanh ở đây có giấy khai sanh cả, người chết vì thế cũng không có giấy khai tử; thứ hai là không có tiền, làm sao mua được đất cắm lều.”
Tôi hỏi chị có bao giờ về Việt Nam chưa? Chị nói có, về thăm dòng họ; hỏi chị, không có giấy tờ làm sao đi? Chị nói đi chui (sau này khi chúng tôi từ Cam Bốt trở về lại Sài Gòn mới hiểu ra tại sao, việc khám xét giấy tờ rất kỹ.) Hỏi chị sao không ở lại Việt Nam, chị nói: giấy hộ khẩu không có, làm sao ở. Nhà nước Việt Nam đâu có chương trình cho mình tái định cư.
Tôi bâng khuâng tự hỏi: Chính phủ Việt Nam không nhận, Chính phủ Cam Bốt cũng không nhận. Chắc chỉ có những con cá trên dòng Tonlé Sap cho chị sự sống thôi.
Chúng tôi chào chị, tiếp tục đi xa vào lòng sông. Nhà cửa người Việt bắt đầu đông đúc hơn, trẻ em tuổi từ lên hai đến lên mười chơi ở trên chỉ xô, kéo nhau, thế mà vẫn nghe tiếng chúng cười rất hạnh phúc. Tôi nhìn dòng nước đục đỏ mầu đất, cuồn cuộn sóng, hỏi người hướng dẫn về những tai nạn chết đuối của trẻ em, anh ta nói:
“Chết đuối cũng có, nhưng chết vì nước bẩn, thiếu vệ sinh thì nhiều. Trẻ em ở đây hay chết vì “dịch tả”.
Một khu nhà nổi lớn có nuôi cá sấu và bán đồ lưu niệm cho du khách do người Miên làm chủ hiện ra. Chúng tôi rời thuyền, lên tham quan. Chưa kịp đặt chân lên sàn nhà, đã thấy lập tức ba, bốn chiếc thuyền nhỏ tắp vào theo; trên thuyền là những phụ nữ và trẻ em Việt. Tất cả mấy đứa trẻ cùng nhao lên ăn xin. Chúng làm mặt mếu máo, bán nải chuối, xin thêm tiền, kể đói, kể khổ, bằng tiếng Việt. Trong một cái thuyền có năm người ngồi chung; một nhóm ba mẹ con, người mẹ khoảng ngoài hai mươi, với ba đứa con; một cậu lên sáu, bé gái lên hai và một bé ba tháng đang bú mẹ, nhóm kia hai chị em độ lên bảy, lên bốn. Cậu bé lên sáu, nhưng bé như lên bốn thôi, cầm con rắn vắt ngang cổ cho du khách sờ và xin tiền; vừa cho chú một đô, chú giắt ngay vào cặp quần, xong lập tức xin tiếp: cho con xin một ngàn (tiền Cam Bốt) con không tiêu tiền Mỹ. Cô bé cùng thuyền kêu lên: thằng này lanh lắm, nó nói xạo đó. Bà mẹ trẻ trên thuyền, một tay vạch vú tự nhiên cho con bú, một tay đưa ra xin, cô bé thứ hai lên ba, tóc vàng khè vì cháy nắng, bé như cái kẹo không biết nói, nhưng cũng đã biết ngửa tay xin. Chồng tôi cúi xuống thuyền bế em lên, em không lạ, không khóc; thằng anh nhảy phóc lên bờ như một con sóc bám chặt lấy chân tôi, đưa con rắn to như một con trăn ra dứ dứ trước mặt tôi, xin thêm tiền. Tôi thấy chú này lanh quá vừa buồn vừa thương hại. Chưa kịp hỏi mấy đứa nhỏ một vài câu thì nhìn ra mặt sông đã thêm hai chiếc thuyền nữa chở phụ nữ và trẻ em, ba, bốn cái khác vừa là thuyền thúng, vừa là một cái thau nhôm to, mỗi cái có một cậu bé đen đủi, quần xà lỏn, ở trần, hay mặc cái áo thun đỏ quạch mầu bùn, cầm chèo gỗ khua nước tiến đến. Tóc chúng đỏ hoe vì nắng, chúng gầy còm và còn làm bộ mặt nhăn nhó, hay giả khóc để xin tiền. Những bà mẹ trẻ thì bế những em rất bé, èo uột trên tay. Tất cả cùng nói một giọng giống nhau: Cô cho con tiền mua mấy kí gạo, đói mấy ngày nay rồi. Tôi cho mỗi thuyền mười đồng (Mỹ kim), vừa hết cạn số tiền lẻ có sẵn trong túi. Mấy chú nhỏ được một đồng, làm mặt nhăn nhó kêu khóc ầm lên: sao không cho con nhiều, cho một đồng ít quá! Tôi quýnh quáng chạy tuốt vào phía trong cửa hàng, để mặc cho chồng tôi lãnh nốt.
Chúng tôi rời chỗ đó mà buồn nẫu ruột, không biết những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào? Chắc chỉ có ông Trời biết được!
Cái bảng kẻ hàng chữ Trường Việt Ngữ màu xanh trên một nóc nhà nổi, trông từ xa đã thấy, tôi háo hức được gặp một lớp học với đàn trẻ đang ê, a đánh vần; cái lớp học tôi vẫn mường tượng trong đầu, nhưng lớp học hơi làm tôi thất vọng. Có lẽ được anh hướng dẫn du lịch báo trước, ông thầy đã ra tận cửa đón chúng tôi, niềm nở mời vào. Một gian buồng ngang khoảng năm thước, dài khoảng bảy thước, có một loạt băng gỗ, đã có sẵn độ hai mươi em ngồi đó, không thấy có vẻ gì là đang học, vì không có sách, bút trước mặt. Các em thấy chúng tôi vào thì đứng lên nói: Chúng con chào quý khách đến thăm trường, xong lại ngồi xuống nói chuyện với nhau.
Tôi hỏi chuyện thầy giáo, ông tên là Trần văn Tư, ông cho biết, từ Tây Ninh sang đây làm thiện nguyện; tôi hỏi có phải ông là nhà giáo trước đây không? Ông nói tôi dạy “nghiệp dư” thôi. Trường có từ lớp một tới lớp bốn, chủ trương chỉ dạy cho biết đọc, biết viết. Tôi không hỏi tiếp về việc dạy nữa. Tôi hỏi các em đang ăn xin ở ngoài kia có đi học không? Ông nói, đó là quyền của cha mẹ chúng, ai muốn cho con đến trường thì đến, ai muốn cho con ở nhà đi xin thì tùy họ. Ông cho tôi biết trường hoàn toàn trông vào tiền của du khách. Tôi đưa cho ông một số tiền, không biết là mình có cho đúng chỗ hay không? Nhưng thấy hai mươi em ngồi trong đó, cũng hy vọng các em học được một điều gì khác với điều chỉ học ăn xin ngoài kia. Khi chúng tôi ra về, các em lại đứng lên nói: Tạ ơn quý khách.
Ông Tư đưa cho tôi một tấm danh thiệp và nói, nếu tôi muốn giúp đỡ thêm thì gửi tiền về, địa chỉ của vợ ông ở Tây Ninh. (Về sau, tôi được những người có kinh nghiệm hơn cho biết, ngôi trường này là một cái bẫy du khách vì du khách mua sách vở, dụng cụ học sinh ở của hàng nuôi cá sấu đó cho trường, sau khi du khách về những thứ đó lại xuất hiện ở cửa hàng.)
Địa điểm kế tiếp là một ngôi giáo đường mới thành lập năm ngoái. Chúng tôi đến thì vị linh mục người Indonesia phục vụ cho họ đạo Cam Bốt đang đi làm lễ ở ngoài Siêm Rệp. Một cặp vợ chồng khoảng gần bốn mươi, anh chồng ở đây từ hai mươi năm, anh là người Nam Định (chắc anh thuộc lính Việt đánh Cam Bốt, rồi ở lại), cho chúng tôi biết: Tổng cộng số gia đình làng nổi ở đây là năm trăm gia đình, nhưng chỉ có hơn ba trăm là có giấy tờ được ở chính thức, tổng số trên khu sông nước là hai ngàn người. Trẻ em sanh ra không có khai sanh, nên không được đi học trên đất liền, muốn đi học tiếng của họ, trường của họ, thì phải có cha mẹ đỡ đầu người Miên. Đa số trẻ em đi ăn xin du khách. Nhà thờ mới thành lập, giáo dân mới có khoảng hai mươi người.
Theo Lonely Planet dân số Việt trên đất Cam Bốt hợp pháp chính thức hơn một trăm ngàn người. Tổng số không có giấy tờ hợp lệ có thể từ nửa triệu đến hai triệu người, họ là một cộng đồng khác quốc tịch lớn nhất ở Cam Bốt, và cũng là cộng đồng đóng góp tích cực nhất ở Cam Bốt về ngư nghiệp và kỹ nghệ. Tuy nhiên vẫn có một sự nghi kỵ rất trầm trọng giữa Việt – Miên, ngay cả với những người Việt đã sống ở đó qua nhiều thế hệ.
Tôi rời sông nước lên đất liền, lòng chao như sóng. Hình ảnh những phụ nữ trẻ, những em bé Việt Nam sống từ đời này, sang đời khác ở biển hồ này làm tôi đau lòng. Không lẽ cứ ăn mày trên sông nước từ bé đến già sao! Ai đó đang kêu gào “Khúc ruột xa ngàn dặm” trở về, sao không vớt hộ những khúc ruột đang trôi bập bềnh trên dòng Tonlé Sap này. Hai ngàn người sống không khai sanh, lấy nhau không hôn thú, chết không khai tử đó, chắc thế nào cũng có lúc ngồi trên sóng nước mơ về mảnh đất liền của quê hương gốc mình. Khúc ruột bên trời Âu, Mỹ có thể bay mấy chục ngàn dặm về được, còn họ chỉ hơn một trăm cây số đường bộ, nhưng khúc ruột vẫn bập bềnh trên dòng Tonlé Sap từ thế hệ này, qua thế hệ khác, không bao giờ được ai vớt lên bờ cho họ thực hiện được giấc mơ về quê hương đích thực của mình.
Siêm Rệp, ngày 24 tháng 1 năm 2010
Trần Mộng Tú Nguồn: www.hungviet. org
.
Những “khúc ruột” trên dòng Tonlé SapTrần Mộng Tú
Từ hai tháng trước, khi sửa soạn chuyến đi Việt Nam, chúng tôi cũng đã có chương trình đi thăm Angkok Wat, và tôi đã dự tính trong lòng, thế nào cũng phải thăm ngôi làng nổi của người Việt trên Biển Hồ Tonlé Sap, thuộc Siêm Rệp (Siem Reap.)
Đã hơn hai mươi năm trước, tôi nghe có người nói với tôi về ngôi làng nổi lưu vong này, tôi chỉ mong có một ngày mình thu xếp được một chuyến đi đến đó cho thỏa lòng. Trong trí tưởng tượng của tôi: có một khoang thuyền nhỏ nào đó, có một ông cụ, ngồi dạy trẻ em đánh vần quốc ngữ Việt Nam; ở khoang thuyền khác có một ông ngồi bắt mạch hốt thuốc cho đám “nhân ngư”; rồi ở một cái thuyền khác tươm tất hơn, là nơi người ta tụ họp làm chốn thờ phụng, chốn tang ma, cưới hỏi theo từng tôn giáo. Bây giờ tôi sắp được nhìn tận mắt một nơi như thế rồi, hỏi sao tôi không nôn nả.
Sau khi đi thăm các ngôi đền đá trạm trổ danh tiếng của xứ sở Cam Bốt như đền Angkok Wat, Bayon, Pre Khan, Woman Temple và Farmer Temple, chúng tôi đi thăm làng nổi Việt Nam.
Tonlé Sap hay Biển Hồ của Campuchia có nghĩa là sông nước ngọt lớn. Người Việt quen gọi là Biển Hồ, chỉ sự rộng lớn của sông không có bến bờ.
Từ thành phố Siêm Rệp, chúng tôi đi xe mất ba mươi phút để đến cửa sông đào nhập vào sông Tonlé Sap, khúc sông đào này dài khoảng tám cây số. Chúng tôi bốn người, hai vợ chồng tôi và hai ông anh tôi cùng đi với nhau, thăm những người Việt sống trong những ngôi nhà nổi trên mặt sông này.
Chiếc thuyền máy băng băng qua dòng nước đục ngầu bùn, mùi nước thải có lẽ từ các ống cống thành phố xuống khúc sông đào dài này, bay vào mũi chúng tôi khá lâu. Hai bên bờ bắt đầu xuất hiện thưa thớt những ngôi nhà nổi của người Miên, khi thuyền nhập được ra sông lớn mới thấy bắt đầu có mùi cá và nhà nổi đông đúc hơn. Tôi nôn nao hỏi người lái thuyền:
“Đâu, khu nhà của người Việt đâu?”
Anh Sơn tôi, người đã đến trước đó một lần, cách đến mười lăm năm rồi, nói:
“Cứ từ từ, sắp đến rồi.”
Nghe anh nói từ từ, nhưng tiếng đập trong ngực tôi không chịu từ từ, những tiếng đập như có hai, ba, bốn trái tim cùng đập một lúc. Kìa cái nhà nổi đầu tiên của người Việt Nam xuất hiện. Anh lái thuyền táp thuyền sát vào cái mảng tre ở trước nhà, tôi thấy một phụ nữ trên dưới bốn mươi tuổi, nước da ngăm đen, đang ngồi trên một chiếc võng. Căn nhà không có cửa nên có thể nhìn thấy tất cả đồ đạc của gian phía trước. Một cái bàn thờ, có bát nhang, có hình Phật dán trên vách, một cái máy truyền hình nhỏ, một cái bàn thấp và một cái ghế. Tất cả đều sơ sài, giản dị.
Anh chèo thuyền nói:
“Bà hỏi gì thì hỏi đi.”
Tôi ngập ngừng một lúc, không biết mình hỏi tiếng Việt, người nghe có hiểu không? Tiếng Cam Bốt thì mình không biết, nhưng chợt nhớ ra là ở đây vẫn duy trì tiếng Việt, nên tôi vồn vã hỏi han và chị cũng vui vẻ trả lời. Chị tên Nga, bốn mươi hai tuổi, chỉ đứa con gái lên chín đang chơi ở một tấm mảng tre nổi bập bềnh sát nhà (khoảng 6 mét vuông.) Chị nói, đã ở đây hai thế hệ, mẹ chị sanh chị trên sông nước này, bà mới mất cách đây hai năm, cha còn sống, đang đi lưới. Chị cho biết hôm qua chồng chị đi bán nước ngọt cho du khách bị lính bắt cả thuyền. Hôm nay nước lớn chị cũng không muốn cho con đi học. Chị chỉ tay về phía trước, nói, đi lên độ năm phút sẽ thấy ngôi trường dạy tiếng Việt. Hỏi chị sao không lên bờ ở, có bị cấm đoán gì không? Chị nói:
“Không ai cấm lên, nhưng trước tiên là không có giấy tờ, không ai sanh ở đây có giấy khai sanh cả, người chết vì thế cũng không có giấy khai tử; thứ hai là không có tiền, làm sao mua được đất cắm lều.”
Tôi hỏi chị có bao giờ về Việt Nam chưa? Chị nói có, về thăm dòng họ; hỏi chị, không có giấy tờ làm sao đi? Chị nói đi chui (sau này khi chúng tôi từ Cam Bốt trở về lại Sài Gòn mới hiểu ra tại sao, việc khám xét giấy tờ rất kỹ.) Hỏi chị sao không ở lại Việt Nam, chị nói: giấy hộ khẩu không có, làm sao ở. Nhà nước Việt Nam đâu có chương trình cho mình tái định cư.
Tôi bâng khuâng tự hỏi: Chính phủ Việt Nam không nhận, Chính phủ Cam Bốt cũng không nhận. Chắc chỉ có những con cá trên dòng Tonlé Sap cho chị sự sống thôi.
Chúng tôi chào chị, tiếp tục đi xa vào lòng sông. Nhà cửa người Việt bắt đầu đông đúc hơn, trẻ em tuổi từ lên hai đến lên mười chơi ở trên chỉ xô, kéo nhau, thế mà vẫn nghe tiếng chúng cười rất hạnh phúc. Tôi nhìn dòng nước đục đỏ mầu đất, cuồn cuộn sóng, hỏi người hướng dẫn về những tai nạn chết đuối của trẻ em, anh ta nói:
“Chết đuối cũng có, nhưng chết vì nước bẩn, thiếu vệ sinh thì nhiều. Trẻ em ở đây hay chết vì “dịch tả”.
Một khu nhà nổi lớn có nuôi cá sấu và bán đồ lưu niệm cho du khách do người Miên làm chủ hiện ra. Chúng tôi rời thuyền, lên tham quan. Chưa kịp đặt chân lên sàn nhà, đã thấy lập tức ba, bốn chiếc thuyền nhỏ tắp vào theo; trên thuyền là những phụ nữ và trẻ em Việt. Tất cả mấy đứa trẻ cùng nhao lên ăn xin. Chúng làm mặt mếu máo, bán nải chuối, xin thêm tiền, kể đói, kể khổ, bằng tiếng Việt. Trong một cái thuyền có năm người ngồi chung; một nhóm ba mẹ con, người mẹ khoảng ngoài hai mươi, với ba đứa con; một cậu lên sáu, bé gái lên hai và một bé ba tháng đang bú mẹ, nhóm kia hai chị em độ lên bảy, lên bốn. Cậu bé lên sáu, nhưng bé như lên bốn thôi, cầm con rắn vắt ngang cổ cho du khách sờ và xin tiền; vừa cho chú một đô, chú giắt ngay vào cặp quần, xong lập tức xin tiếp: cho con xin một ngàn (tiền Cam Bốt) con không tiêu tiền Mỹ. Cô bé cùng thuyền kêu lên: thằng này lanh lắm, nó nói xạo đó. Bà mẹ trẻ trên thuyền, một tay vạch vú tự nhiên cho con bú, một tay đưa ra xin, cô bé thứ hai lên ba, tóc vàng khè vì cháy nắng, bé như cái kẹo không biết nói, nhưng cũng đã biết ngửa tay xin. Chồng tôi cúi xuống thuyền bế em lên, em không lạ, không khóc; thằng anh nhảy phóc lên bờ như một con sóc bám chặt lấy chân tôi, đưa con rắn to như một con trăn ra dứ dứ trước mặt tôi, xin thêm tiền. Tôi thấy chú này lanh quá vừa buồn vừa thương hại. Chưa kịp hỏi mấy đứa nhỏ một vài câu thì nhìn ra mặt sông đã thêm hai chiếc thuyền nữa chở phụ nữ và trẻ em, ba, bốn cái khác vừa là thuyền thúng, vừa là một cái thau nhôm to, mỗi cái có một cậu bé đen đủi, quần xà lỏn, ở trần, hay mặc cái áo thun đỏ quạch mầu bùn, cầm chèo gỗ khua nước tiến đến. Tóc chúng đỏ hoe vì nắng, chúng gầy còm và còn làm bộ mặt nhăn nhó, hay giả khóc để xin tiền. Những bà mẹ trẻ thì bế những em rất bé, èo uột trên tay. Tất cả cùng nói một giọng giống nhau: Cô cho con tiền mua mấy kí gạo, đói mấy ngày nay rồi. Tôi cho mỗi thuyền mười đồng (Mỹ kim), vừa hết cạn số tiền lẻ có sẵn trong túi. Mấy chú nhỏ được một đồng, làm mặt nhăn nhó kêu khóc ầm lên: sao không cho con nhiều, cho một đồng ít quá! Tôi quýnh quáng chạy tuốt vào phía trong cửa hàng, để mặc cho chồng tôi lãnh nốt.
Chúng tôi rời chỗ đó mà buồn nẫu ruột, không biết những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào? Chắc chỉ có ông Trời biết được!
Cái bảng kẻ hàng chữ Trường Việt Ngữ màu xanh trên một nóc nhà nổi, trông từ xa đã thấy, tôi háo hức được gặp một lớp học với đàn trẻ đang ê, a đánh vần; cái lớp học tôi vẫn mường tượng trong đầu, nhưng lớp học hơi làm tôi thất vọng. Có lẽ được anh hướng dẫn du lịch báo trước, ông thầy đã ra tận cửa đón chúng tôi, niềm nở mời vào. Một gian buồng ngang khoảng năm thước, dài khoảng bảy thước, có một loạt băng gỗ, đã có sẵn độ hai mươi em ngồi đó, không thấy có vẻ gì là đang học, vì không có sách, bút trước mặt. Các em thấy chúng tôi vào thì đứng lên nói: Chúng con chào quý khách đến thăm trường, xong lại ngồi xuống nói chuyện với nhau.
Tôi hỏi chuyện thầy giáo, ông tên là Trần văn Tư, ông cho biết, từ Tây Ninh sang đây làm thiện nguyện; tôi hỏi có phải ông là nhà giáo trước đây không? Ông nói tôi dạy “nghiệp dư” thôi. Trường có từ lớp một tới lớp bốn, chủ trương chỉ dạy cho biết đọc, biết viết. Tôi không hỏi tiếp về việc dạy nữa. Tôi hỏi các em đang ăn xin ở ngoài kia có đi học không? Ông nói, đó là quyền của cha mẹ chúng, ai muốn cho con đến trường thì đến, ai muốn cho con ở nhà đi xin thì tùy họ. Ông cho tôi biết trường hoàn toàn trông vào tiền của du khách. Tôi đưa cho ông một số tiền, không biết là mình có cho đúng chỗ hay không? Nhưng thấy hai mươi em ngồi trong đó, cũng hy vọng các em học được một điều gì khác với điều chỉ học ăn xin ngoài kia. Khi chúng tôi ra về, các em lại đứng lên nói: Tạ ơn quý khách.
Ông Tư đưa cho tôi một tấm danh thiệp và nói, nếu tôi muốn giúp đỡ thêm thì gửi tiền về, địa chỉ của vợ ông ở Tây Ninh. (Về sau, tôi được những người có kinh nghiệm hơn cho biết, ngôi trường này là một cái bẫy du khách vì du khách mua sách vở, dụng cụ học sinh ở của hàng nuôi cá sấu đó cho trường, sau khi du khách về những thứ đó lại xuất hiện ở cửa hàng.)
Địa điểm kế tiếp là một ngôi giáo đường mới thành lập năm ngoái. Chúng tôi đến thì vị linh mục người Indonesia phục vụ cho họ đạo Cam Bốt đang đi làm lễ ở ngoài Siêm Rệp. Một cặp vợ chồng khoảng gần bốn mươi, anh chồng ở đây từ hai mươi năm, anh là người Nam Định (chắc anh thuộc lính Việt đánh Cam Bốt, rồi ở lại), cho chúng tôi biết: Tổng cộng số gia đình làng nổi ở đây là năm trăm gia đình, nhưng chỉ có hơn ba trăm là có giấy tờ được ở chính thức, tổng số trên khu sông nước là hai ngàn người. Trẻ em sanh ra không có khai sanh, nên không được đi học trên đất liền, muốn đi học tiếng của họ, trường của họ, thì phải có cha mẹ đỡ đầu người Miên. Đa số trẻ em đi ăn xin du khách. Nhà thờ mới thành lập, giáo dân mới có khoảng hai mươi người.
Theo Lonely Planet dân số Việt trên đất Cam Bốt hợp pháp chính thức hơn một trăm ngàn người. Tổng số không có giấy tờ hợp lệ có thể từ nửa triệu đến hai triệu người, họ là một cộng đồng khác quốc tịch lớn nhất ở Cam Bốt, và cũng là cộng đồng đóng góp tích cực nhất ở Cam Bốt về ngư nghiệp và kỹ nghệ. Tuy nhiên vẫn có một sự nghi kỵ rất trầm trọng giữa Việt – Miên, ngay cả với những người Việt đã sống ở đó qua nhiều thế hệ.
Tôi rời sông nước lên đất liền, lòng chao như sóng. Hình ảnh những phụ nữ trẻ, những em bé Việt Nam sống từ đời này, sang đời khác ở biển hồ này làm tôi đau lòng. Không lẽ cứ ăn mày trên sông nước từ bé đến già sao! Ai đó đang kêu gào “Khúc ruột xa ngàn dặm” trở về, sao không vớt hộ những khúc ruột đang trôi bập bềnh trên dòng Tonlé Sap này. Hai ngàn người sống không khai sanh, lấy nhau không hôn thú, chết không khai tử đó, chắc thế nào cũng có lúc ngồi trên sóng nước mơ về mảnh đất liền của quê hương gốc mình. Khúc ruột bên trời Âu, Mỹ có thể bay mấy chục ngàn dặm về được, còn họ chỉ hơn một trăm cây số đường bộ, nhưng khúc ruột vẫn bập bềnh trên dòng Tonlé Sap từ thế hệ này, qua thế hệ khác, không bao giờ được ai vớt lên bờ cho họ thực hiện được giấc mơ về quê hương đích thực của mình.
Siêm Rệp, ngày 24 tháng 1 năm 2010
Trần Mộng Tú Nguồn: www.hungviet. org
No comments:
Post a Comment